Tóm tắt Chiến lược phát triển Trường Đại học Thuỷ Lợi giai đoạn 2006 – 2020

Tóm tắt Chiến lược phát triển Trường Đại học Thuỷ Lợi giai đoạn 2006 – 2020

Nền kinh tế xã hội của quốc gia, khu vực và quốc tế hiện nay cũng như sự phát triển của khoa học đòi hỏi Trường Đại học Thuỷ lợi (ĐHTL) phải trở thành một trường đại học hiện đại, tiên tiến để có thể đảm trách được nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu của ngành nước. Đồng thời, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của Trường ĐHTL là trở thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu về lĩnh vực thuỷ lợi.

Chiến lược phát triển Trường Đại học Thuỷ lợi giai đoạn 2006 – 2020 sẽ đưa ĐHTL trở thành một trong mười trường đại học hàng đầu của Việt Nam, từ đó tạo tiền đề cho việc hoàn thành tốt các mục tiêu đã nêu ra ở trên. Chiến lược phát triển của Trường ĐHTL sẽ được thực thi trong ba giai đoạn năm năm, mười năm và 15 năm trong đó giai đoạn năm năm đầu tiên sẽ đóng vai trò quyết định.

Nền giáo dục của các nước trong khu vực đã đạt đến trình độ cao, Việt nam cũng đang nhanh chóng thực hiện đổi mới giáo dục để đạt được trình độ tương tự cả về tốc độ phát triển cũng như chất lượng giáo dục. Có thể thấy rằng Trường ĐHTL cần phải hiện đại hoá để có thể đáp ứng thành công và hiệu quả những yêu cầu về nhân lực, cũng như thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho mục tiêu trước mắt và lâu dài của đất nước. Trường ĐHTL hy vọng số sinh viên đăng ký học tại ĐHTL sẽ tăng từ 9494 (6/2006) đến khoảng 20,000 đến năm 2020, với quy mô tuyển sinh 3840 sinh viên năm 2010, 5210 sinh viên năm 2015 và 6240 năm 2020.

Nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn năm năm tới là tập trung vào việc áp dụng phương pháp tư duy mới cho sinh viên, giảng viên và các cán bộ quản lý; vận dụng các cơ chế thích hợp để cải thiện chất lượng cán bộ, phát triển chương trình đào tạo, nâng cấp và mở rộng các ngành đào tạo, thay đổi phương pháp dạy và học, thu hút đầu tư tài chính, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, huy động mọi nguồn lực, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, cơ cấu lại bộ máy tổ chức của nhà trường.

Chiến lược phát triển Trường ĐHTL đã báo cáo trực tiếp với Phó Thủ Tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các vị lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Hà Tây, đại diện Bộ Tài chính và lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện và các bộ phận của Trường ĐHTL vào ngày 24 tháng 02 năm 2006. Bản Chiến lược phát triển sau đó đã được điều chỉnh theo ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Bộ và kết luận của Phó Thủ Tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm.

Căn cứ xây dựng Chiến lược Phát triển là phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, kinh nghiệm của quá trình phát triển và dự báo nhu cầu phát triển trong tương lai. Các tài liệu liên quan đến thể chế, quy định của Chính phủ Việt nam liên quan đến giáo dục, chiến lược phát triển tài nguyên nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan khác đều đã được nghiên cứu và phân tích kỹ.

Các kết luận của Chiến lược phát triển được tóm tắt như sau:

Tên chính thức của Trường sẽ là “Đại học Thuỷ lợi Việt nam”

Sứ mệnh: Trở thành trường Đại học hàng đầu của Việt nam cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của ngành nước, trở thành trung tâm khoa học công nghệ có uy tín về thuỷ lợi, thuỷ điện, tài nguyên và môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, có năng lực hội nhập khu vực và quốc tế.

Chiến lược đào tạo

ĐHTL sẽ tập trung chủ yếu vào các hoạt động liên quan đến các ngành như Tài nguyên nước, Tài nguyên và Môi trường, Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, Kỹ thuật bờ biển, Phát triển nông thôn, Kinh tế và Quản lý, Kỹ thuật công trình, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật dân dụng và vật liệu xây dựng. Để đạt được điều đó, trường sẽ thành lập mười bảy ngành mới, giảng dạy và nghiên cứu tất cả các lĩnh vực nêu trên. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện trong ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất nâng cấp chín ngành hiện có và mở bảy ngành mới, giai đoạn hai mở bốn ngành mới và giai đoạn ba mở ba ngành mới.

Đào tạo Thạc sĩ tăng từ 10 chuyên ngành lên 47 chuyên ngành và đào tạo tiến sĩ từ 13 ngành lên 49 chuyên ngành. Thời gian đào tạo bậc Đại học sẽ được rút ngắn từ 5 năm như hiện nay xuống còn 4 năm.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ

ĐHTL sẽ trở thành một cơ sở nghiên cứu khoa học vững mạnh có khả năng thực hiện các nghiên cứu chiến lược và ứng dụng trong các ngành mũi nhọn. Mục tiêu này có thể đạt được thông qua việc thành lập các Trung tâm, Viện, và Công ty. Giảng viên sẽ được tham gia đầy đủ vào công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới với các cơ chế thích hợp.

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực

Việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu, giảng viên sẽ tuân theo những đòi hỏi nghiêm ngặt của các Viện, Trung tâm chuyên ngành. Việc lựa chọn và sàng lọc cũng sẽ được thực hiện theo quy định tuyển dụng và đào thải giảng viên của ĐHTL. Thêm vào đó, một quy chế toàn diện về chức năng, trách nhiệm và nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên cũng sẽ được xây dựng. Mọi hoạt động tuyển dụng và đào tạo cho cán bộ quản lý sẽ tuân theo quy định hiện hành của Nhà nước và Nhà trường.

Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng của Trường ĐHTL sẽ được xây dựng theo các tiêu chuẩn của Việt nam.

Cải thiện việc sử dụng không gian của ĐHTL thông qua việc quy hoạch mặt bằng hiện có và tăng diện tích thêm 70 ha cho khu vực Hà nội và 15 ha cho cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giảng đường, phòng thí nghiệm, khu văn phòng, ký túc xá, trang thiết bị giảng dạy, học tập và nghiên cứu đều sẽ được nâng cấp hoặc xây mới. Thư viện ĐHTL sẽ được phát triển thành thư viện điện tử và được kết nối trực tiếp với mạng lưới thư viện quốc gia.

Chiến lược phát triển Tài chính và tiền lương

Đa dạng hoá nguồn tài chính sẽ được thực hiện thông qua việc khai thác triệt để các nguồn thu từ giáo dục, nghiên cứu và dịch vụ. Đến năm 2020, nguồn thu từ các hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, và các dịch vụ khác sẽ đạt 25% tổng ngân sách của nhà trường. Cơ chế quản lý sẽ được phát triển nhằm tăng thu nhập từ nghiên cứu khoa học và các tổ chức quốc tế hính sách, quy định về cơ cấu tiền lương sẽ được xây dựng nhằm nâng cao thu nhập từ nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, ví dụ như thông qua các thoả thuận hợp tác. Mức lương tối thiếu cho cán bộ giảng viên sẽ được bảo đảm và nâng lên.

Chiến lược phát triển cũng đề xuất tăng quyền quyết định cho Hiệu trưởng Trường ĐHTL để có thể lãnh đạo trường theo hình thức một cơ quan tự chủ.

Hợp tác quốc tế và khu vực

ĐHTL sẽ mở rộng các mối quan hệ quốc tế và khu vực, bao gồm các viện đào tạo, trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, tổ chức Phi chính phủ từ các nước thuộc Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ, từ đó tạo cơ hội tiếp cận với tiêu chuẩn giáo dục hàng đầu của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, khả năng phát triển hợp tác nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quan tâm chung. Điều đó cũng tạo tiền đề cho việc thực hiện trao đổi giáo sư, giảng viên, là một hoạt động chính trong công tác chuyên môn của ĐHTL.

Chiến lược Công nghệ thông tin

Chiến lược phát triển sẽ đưa trường ĐHTL thành một trường tiên tiến trong khu vực tận dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tư vấn và quản lý, công nghệ đào tạo trực tuyến và Đại học điện tử. Việc đầu tư sẽ được thực hiện và kế hoạch nâng cấp sẽ được áp dụng cho từng khoa, viện, trung tâm để các đơn vị này có thể tự xây dựng chiến lược phát triển công nghệ thông tin của đơn vị mình

Công tác sinh viên

Sinh viên sẽ được giáo dục đầy đủ về khoa học, đạo đức, thể chất, văn hoá, có khả năng tìm các công việc phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp và dễ dàng theo kịp cơ chế thị trường. Hội của sinh viên  ĐHTL sẽ được thành lập trên cơ sở từng tỉnh, vùng. Việc liên hệ với hội trên và các công ty, doanh nghiệp sẽ giúp ĐHTL cải tiến chương trình đào tạo, hỗ trợ các sinh viên giỏi và khuyến khích họ ở lại làm việc tại trường sau khi tốt nghiệp. Chiến lược phát triển cũng định hướng các cơ chế nhằm tăng lượng sinh viên đăng ký tuyển sinh vào trường ĐHTL.

Chiến lược quản lý chất lượng đào tạo

Các nguyên tắc giám sát chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được áp dụng đầy đủ, một cơ cấu tổ chức sẽ được thiết lập và giám sát chất lượng tuyển sinh, đào tạo và nhân sự thông qua kiểm tra định kỳ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *