Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng. Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước…
Trường Đại học Thủy lợi với bề dày truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất đã được ứng dụng rộng rãi đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, dự báo, cảnh báo sớm, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai… Với đội ngũ các nhà khoa học uy tín, Trường Đại học Thủy lợi đã đào tạo, cung cấp cho đất nước đội ngũ kỹ sư chất lượng, có chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác nguồn nước. Do đó, thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 8 tháng 12 năm 2023, Bộ Khoa học công nghệ phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2030”.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường. Đại diện Bộ KHCN có Thứ trưởng Trần Hồng Thái chủ trì hội thảo.
Về phía Trường Đại học Thủy lợi có PGS.TS. Nguyễn Hữu Huế – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường, PGS.TS. Đỗ Văn Quang – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Phân hiệu và các nhà khoa học của Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi.
Tại Hội thảo Ban chủ nhiệm đề án do GS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh đại diện đã có bài báo cáo “Định hướng phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030”.
Tham gia tham luận tại Hội thảo còn có đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước -Bộ TN&MT, GS.TS. Tăng Đức Thắng – Nguyên Viện trưởng viện khoa học thủy lợi miền nam, Công ty cổ phần chế tạo bơm Hải Dương.
Mở đầu buổi Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đã có bài phát biểu khai mạc nói lên vai trò quan trọng và những thách thức của vấn đề an ninh nguồn nước quốc gia, an toàn đập. Qua đó, Thứ trưởng kêu gọi các nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên nước cùng nhau liên kết để nghiên cứu nhằm ứng dụng khoa học công nghệ trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập quốc gia.
Cũng tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đăng Tính – Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi có bài tham luận về Định hướng nghiên cứu đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa tại một số khu vực của Việt Nam. Theo đó, Trường Đại học Thủy lợi đã và đang tập trung vào 4 nhóm vấn đề nghiên cứu:
(1) Phát triển, ứng dụng công nghệ quản trị hồ đập cảnh báo an toàn hồ đập nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và mức bảo đảm ATĐ.
(2) Tăng cường thể chế chính sách nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, công bằng và tiết kiệm tài nguyên nước
(3) Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến và giải pháp phù hợp trong quản lý, khai thác và phát triển nguồn nước vùng ĐBSCL.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Thủy lợi tiếp tục phối hợp với các Doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng giải pháp bờ bao xanh giúp giảm thiểu tình trạng sạt lở đất, bảo vệ môi trường.
Hội thảo đã mở ra những định hướng rõ nét trong việc bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.