Dù đã rất cố gắng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong giai đoạn 1986–2005, nhưng chưa xứng với tiềm năng và yêu cầu đổi mới. Sự phát triển của nhà trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và học tập còn dưới mức tiêu chuẩn Việt Nam 20TCN1985. Những năm cuối của giai đoạn 1986-2005, tỷ lệ giảng viên có trình độ cao còn giảm sút. Việc phát triển nguồn nhân lực chưa đầy đủ, thiếu tính liên tục và kế thừa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và trên hết là mục tiêu phát triển của nhà trường.
Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Nhận thức được nhu cầu đổi mới để đáp ứng ngày càng cao của thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, từ năm 2005 Trường Đại học Thủy lợi đã bắt đầu xây dựng Chiến lược phát triển trường cho giai đoạn mới. Với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Đan Mạch, sự hỗ trợ về chuyên môn của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, sự đồng tâm nhất trí và trí tuệ của đội ngũ cán bộ giảng viên toàn Trường, năm 2006 Trường Đại học Thủy lợi đã xây dựng bản “Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủy lợi giai đoạn 2006-2020“ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Bản chiến lược được báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Bộ Tài chính và lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện và các bộ phận Trường Đại học Thủy lợi vào ngày 24/02/2006. Bản chiến lược đã được tiếp thu điều chỉnh và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo quyết định số 1745/QĐ-BNN-TCCB ngày 15/6/2006.
Đến nay, Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2006-2020 đã hoàn thành, nhìn lại những bước đi ban đầu với những khó khăn, thách thức tưởng như không thể vượt qua, toàn thể giảng viên, cán bộ, công nhân viên và sinh viên nhà trường tự hào và phấn khởi về những thành tích, kết quả đáng khích lệ đã đạt được bằng tất cả quyết tâm, nỗ lực không mệt mỏi.
I. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO
Hiện nay, Trường Đại học Thủy lợi đang đào tạo đa ngành với 32 ngành trình độ đại học, 19 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 13 chuyên ngành trình độ tiến sĩ.
Trong giai đoạn này, Trường đã xây dựng lại toàn bộ các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với chương trình đào tạo của nước tiên tiến, với mục tiêu trang bị cho người học kiến thức chuyên môn, kỹ năng tin học và ngoại ngữ cao với các kỹ năng cần thiết (kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống); có năng lực tư duy, năng lực hợp tác và cạnh tranh; có khả năng tự học để nâng cao trình độ suốt đời. Chương trình đào tạo trình độ đại học được thiết kế với 145 tín chỉ đào tạo trong 4,5 năm đối với các ngành khối kỹ thuật và 130 tín chỉ đào tạo trong 4,0 năm đối với các ngành khối kinh tế; chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ gồm 45 tín chỉ đào tạo trong 1,5 năm; chương trình đào tạo tiến sĩ gồm 90 tín chỉ đào tạo trong 3,0 năm tập trung và 4,0 năm không tập trung. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm 2018 trường triển khai rà soát, xây dựng các chương trình đào tạo trình độ đại học theo tiếp cận CDIO (Conceive – hình thành ý tưởng, Design – thiết kế, Implement – triển khai, Operate – vận hành). Đây là phương pháp đào tạo tiên tiến, trong đó, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra, kiến thức và kỹ năng được tích hợp trong các môn học, sinh viên được tăng cường thực hành và trải nghiệm…Bên cạnh đó, Trường đã triển khai 05 chương trình đào tạo định hướng việc làm Nhật Bản và Hàn Quốc tại Khoa Cơ khí và Khoa Công nghệ thông tin. Sinh viên theo học chương trình này sẽ có cơ hội được làm việc tại các doanh nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ năm 2007, Trường đã tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Với phương thức đào tạo mới này, người học sẽ chủ động sắp xếp kế hoạch học tập linh hoạt phù hợp với khả năng của mình. Đối với trình độ đại học, Trường đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức, quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ; triển khai xây dựng phần mềm quản lý đào tạo; đổi mới cách thức xây dựng thời khóa biểu, lịch thi theo hướng tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên và sử dụng hiệu quả giảng đường; tổ chức giao đề tài, bảo vệ đồ án, luận văn tốt nghiệp 3 đợt/năm. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã đẩy mạnh quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, từ truyền thụ kiến thức sang phát huy năng lực, tính chủ động, khả năng sáng tạo của người học, áp dụng các phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm. Trong những năm qua, đã có nhiều sinh viên do tích cực học tập nên đã được nhận bằng tốt nghiệp sớm hơn kế hoạch và nhiều sinh viên đăng ký học 2 chương trình nên đã tốt nghiệp với 2 bằng đại học. Đối với trình độ thạc sĩ, Trường đã xây dựng kế hoạch đào tạo linh hoạt, mềm dẻo đáp ứng nhu cầu của người học và đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, đó là: tuyển sinh 2 lần/năm; giao đề tài luận văn tốt nghiệp 4 lần/năm; tổ chức chấm bảo vệ luận văn tốt nghiệp 4 lần/năm; tổ chức Hội thảo đánh giá chất lượng luận văn 4 lần/ năm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo của học viên và giảng viên. Nhà trường thường xuyên đối thoại, trao đổi với học viên, giáo viên để khắc phục và cùng học viên, giáo viên tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giảng dạy và học tập. Đối với trình độ tiến sĩ, nhằm nâng cao chất lượng cũng như thúc đẩy các nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo đúng kế hoạch, Nhà trường đã định kỳ 3 tháng/lần tổ chức cho các nghiên cứu sinh báo cáo tiến độ và kết quả học tập, nghiên cứu tại Bộ môn.
Nhà trường cũng đã mời các nhà khoa học có uy tín chuyên môn cao tham gia các Hội thảo mở rộng luận án tiến sĩ, các Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở, cấp trường của các nghiên cứu sinh. Trong 3 năm gần đây, đã có bước nhảy về số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp trường và được nhận bằng tiến sĩ (10÷15 tiến sĩ/năm).
II. CÔNG TÁC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Thông qua các đơn vị hoạt động khoa học công nghệ, Nhà trường đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án thuộc các chương trình trọng điểm của nhà nước, cấp Bộ, Tỉnh, Thành phố, tham gia tư vấn, thi công, giám sát, thẩm định… cho hàng nghìn công trình lớn nhỏ, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên được tiếp xúc và có cơ hội tham gia giải quyết các bài toán thực tế. Từ năm 2006 đến nay trường đã chủ trì thực hiện 32 đề tài cấp Nhà nước và Nghị định thư; 21 đề tài thuộc quỹ Nafosted; 78 đề tài cấp Bộ, Tỉnh, Thành phố và nhiều đề tài, dự án phục vụ sản xuất cấp tỉnh, thành phố đã và đang thực hiện. Doanh thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ sản xuất tăng dần qua các năm. Các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu, giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết như: Thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Đổi mới công nghệ thiết kế; Quản lý khai thác các hệ thống công trình thủy lợi; Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường; Thuỷ năng, thuỷ điện; Cơ học và máy thuỷ lợi… Bên cạnh đó, các cán bộ, giảng viên của nhà trường còn tích cực tham gia biên soạn quy trình, quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật Quốc gia và ngành trong lĩnh vực thủy lợi. Nhiều công trình được đánh giá cao được các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương ghi nhận.
Kết quả nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất đều được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Từ năm 2014 đến nay, các nhà khoa học của trường đã công bố gần 370 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế uy tín và chất lượng thuộc danh mục bài báo SCI, SCIE, SSCI, ISI, Scopus. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thuỷ lợi và Môi trường của Trường Đại học Thủy lợi đã đạt được những kết quả đáng nghi nhận cả về số lượng lẫn chất lượng. Tạp chí xuất bản định kỳ 3 tháng 1 số và phát hành rộng rãi trong cả nước. Đến nay đã 66 số và 04 số đặc biệt được xuất bản với tổng số trên 1500 bài. Tạp chí đã được đưa vào Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của nhiều Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2019.
Công tác tổ chức hội nghị, hội thảo cũng đang được đẩy mạnh. Hội nghị Khoa học thường niên Trường Đại học Thủy lợi đã tạo được thương hiệu và thu hút được đông đảo các nhà khoa học tham gia. Hội nghị Khoa học sinh viên được duy trì tổ chức hàng năm, giúp cho cho sinh viên được tiếp cận, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn. Đặc biệt trong những năm gần đây Nhà trường liên tục được đăng cai tổ chức các hội thảo quốc tế như: Hội thảo Quốc tế Cửa sông ven biển (ICEC) năm 2012, Hội thảo Quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường – Vùng Châu Á Thái Bình Dương (IAHR-APD) năm 2014, Hội thảo Quốc tế Công nghệ vùng đất thấp (ISLT) vào năm 2018. Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 60 năm, Trường Đại học Thủy lợi được vinh dự là đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo Quốc tế về bờ biển Châu Á, Thái Bình Dương (APAC). Đây là hội thảo quốc tế có quy mô lớn, nhằm thúc đẩy trao đổi học thuật và kỹ thuật về các nghiên cứu liên quan đến bờ biển giữa các quốc gia, khu vực Châu Á, Thái Bình Dương. Với quy mô và danh tiếng của các Hội thảo này đã góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp của Trường Đại học Thủy lợi tới bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
III. CÔNG TÁC HỢP TÁC QUỐC TẾ
Giai đoạn năm 2006 đến nay đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về công tác hợp tác quốc tế của Trường Đại học Thủy lợi. Với sự thành lập Phòng Hợp tác Quốc tế vào tháng 12/2006, nhà trường đã tích cực duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 80 đối tác nước ngoài, gồm các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp đến từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Đại Dương. Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai đa dạng trên nhiều lĩnh vực như liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên và sinh viên, trao đổi học thuật, thực hiện dự án, đề tài nghiên cứu chung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị… góp phần tăng cường năng lực toàn diện và nâng cao vị thế của Nhà trường trong nước, khu vực và thế giới.
Cụ thể, từ năm 2008 theo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường hợp tác thành công với hai trường đại học có tiếng của Mỹ là Trường Đại học Bang Colorado và Đại học Arkansas trong việc xây dựng hai chương trình tiên tiến trình độ đại học. Nhà trường sau đó cũng đã triển khai 3 chương trình thạc sĩ quốc tế hợp tác với Đại học TU Delft (Hà Lan) và 1 chương trình thạc sĩ liên kết với Đại học Liege (Bỉ). Năm 2019, trường đã mở thêm chương trình liên kết đào tạo ngành Kỹ thuật cơ khí với Đại học Jeonju (Hàn Quốc), tiến tới mở rộng sang các ngành điện-điện tử và công nghệ thông tin. Hợp tác quốc tế trong đào tạo còn được đẩy mạnh ở việc tìm kiếm đầu ra tại các công ty nước ngoài cho sinh viên. Nhà trường được Công ty Samsung Electronics tài trợ phòng lab và đặt hàng đào tạo một số môn học trong chương trình đào tạo kỹ sư Công nghệ thông tin, từ đó những sinh viên được đào tạo theo chương trình riêng này sẽ được công ty tuyển dụng. Hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên cũng được phát triển mạnh mẽ. Chỉ riêng 2014 – 2018 đã có hơn 200 lượt giảng viên được cử đi tham quan, học tập ngắn hạn và trao đổi chuyên môn tại các trường đại học, các viện nghiên cứu đối tác. Và ngược lại, ước tính đã có hơn 300 lượt chuyên gia, giảng viên nước ngoài cũng đã đến trường giảng dạy cho các chương trình liên kết đào tạo hoặc tổ chức bài giảng, hội thảo trao đổi chuyên môn với các giảng viên, sinh viên nhà trường. Bên cạnh đó, thông qua nhiều chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế, gần 60 lượt sinh viên đã được tham gia học tập trong thời gian từ 3 tháng đến 1 năm tại các trường đối tác với sự hỗ trợ đáng kể về tài chính. Đồng thời, đã có gần 30 sinh viên quốc tế đã đến thăm quan, thực tập ngắn hạn tại trường cùng các sinh viên quốc tế học tập theo các chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Về hoạt động hợp tác nghiên cứu, xây dựng và triển khai các dự án ODA và viện trợ không hoàn lại, Trường đã thể hiện được uy tín cao với sự hợp tác của nhiều đối tác mạnh cũng như dành được sự tin tưởng của nhiều nhà tài trợ lớn. Tiêu biểu năm 2009, sau ba năm vận động và làm việc hiệu quả với các đối tác, Nhà trường đã thành công có được tài trợ của Ngân hàng ADB để xây dựng cơ sở mới tại Phố Hiến, Hưng Yên, theo đúng kế hoạch đề ra. Năm 2012, Nhà trường được Chính phủ Hà Lan tài trợ Dự án “Tăng cường năng lực của Trường Đại học Thủy lợi trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, xây dựng được 03 chương trình thạc sĩ quốc tế tiếp cận với chuẩn mực tiên tiến trong giáo dục đại học của các nước phát triển. Năm 2015, tiếp nối sự thành công của “Dự án nghiên cứu an toàn đập và hạ lưu” (2012-2015), trường đã được Chính phủ New Zealand tiếp tục tài trợ mở rộng nghiên cứu về an toàn đập tại lưu vực sông Cả với tổng số kinh phí đầu tư lên đến 5 triệu NZD, khẳng định năng lực và uy tín hợp tác quốc tế của Nhà trường trong nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước.
Những dự án, đề án này không những nâng cao năng lực cho nhiều cán bộ, giảng viên mà còn hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, tài liệu, các trang thiết bị và tăng nguồn thu cho Nhà trường.
IV. CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ
Xuất phát điểm của giai đoạn thực hiện chiến lược, tháng 4 năm 2006, đội ngũ cán bộ viên chức của Nhà trường còn hạn chế, bất cập cả về trình độ và cơ cấu. Tổng số cán bộ viên chức của Trường là 831 người, trong đó có 375 cán bộ giảng dạy, 209 cán bộ khoa học công nghệ, 247 cán bộ quản lý và phục vụ. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường chỉ có 83 Tiến sĩ (trong đó có 07 Giáo sư, 45 Phó Giáo sư), chiếm 22,1% tổng số giảng viên của Trường; Tỉ lệ sinh viên/giảng viên (quy đổi) là 25/1 cao hơn quy định (20/1). Đội ngũ cán bộ quản lý phục vụ đông (tỉ lệ sinh viên/cán bộ quản lý phục vụ là 43/1) do Trường còn duy trì một số đơn vị có chức năng phục vụ và dịch vụ.
Coi nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Trong giai đoạn này, Nhà trường đã triển khai công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu phát triển đồng bộ ở mọi lĩnh vực, cơ sở, đảm bảo đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý về trình độ đào tạo và chuyên môn, có chất lượng cơ bản ngang tầm các trường đại học hàng đầu của khối ngành kỹ thuật trong nước, từng bước tiếp cận các trường trong khu vực. Công tác quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực tại Trường được thực hiện đồng bộ ở tất các các nhóm đối tượng (cán bộ giảng dạy, cán bộ khoa học công nghệ, cán bộ quản lý) và trên tất cả các khâu, từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá, đề bạt đến giải quyết chế độ chính sách. Chiến lược phát triển nhân lực đến năm 2020 đã đưa ra tiêu chí phát triển đội ngũ cán bộ viên chức của Trường theo từng nhóm đối tượng, cụ thể như sau:
+ Cán bộ giảng dạy: Tỉ lệ sinh viên/ giảng viên (quy đổi) đạt 15/1; số giảng viên có trình độ sau đại học đạt 95% trong đó có 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ; các giảng viên đều có khả năng giảng dạy và giao tiếp bằng tiếng Anh.
+ Cán bộ quản lý: Tỉ lệ sinh viên/cán bộ quản lý đạt 65/1; Cán bộ quản lý có văn hóa công sở và phong cách quản lý tiên tiến, thông thạo nghiệp vụ, tin học văn phòng, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
+ Cán bộ khoa học công nghệ: có khả năng nghiên cứu, điều tra khảo sát, đo đạc, phân tích tổng hợp, thành thạo thực hành, thực nghiệm, gắn khoa học với thực tiễn sản xuất, có thể sử dụng được tiếng Anh trong chuyên môn.
Để đạt được mục tiêu trên, Nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Đổi mới phương thức tuyển dụng theo hướng khách quan, công bằng và có yếu tố cạnh tranh, đảm bảo chất lượng; thay đổi quy trình tuyển dụng từ thi tuyển đối với các ứng viên có trình độ đại học trở lên sang chỉ xét tiếp nhận và xét tuyển đối với các ứng viên có trình độ tiến sĩ; Có cơ chế chính sách thu hút nhiều chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, ưu tiên tuyển chọn những người có học vị tiến sĩ, có trình độ tiếng Anh tốt; Đồng thời, khuyến khích giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và các nguồn học bổng khác; Sử dụng hiệu quả cơ chế hợp đồng dài hạn để tăng số lượng giảng viên, tạo nguồn tuyển dụng chính. Ngoài ra, Trường đã triển khai ký hợp đồng chuyên gia đối với các giáo sư, phó giáo sư đã nghỉ hưu nhưng có năng lực và sức khỏe tốt để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các giảng viên trẻ, đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cùng với các giải pháp trên, từ năm 2006 đến nay, Trường đã ban hành và triển khai có hiệu quả Quy định tuyển dụng, đào tạo và sử dụng giảng viên. Song song với việc đánh giá giảng viên hàng năm, trường cũng xây dựng được chế độ lương với mức thu nhập tương đối cao và môi trường làm việc thân thiện. Nhờ đó, trường đã và đang là điểm đến của nhiều giảng viên, các nhà khoa học từ các cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín trong nước. Qua đó, đội ngũ giảng viên của Trường, đặc biệt là đội ngũ giảng viên các ngành mới đã tăng lên rõ rệt cả về số lượng và chất lượng, đạt và vượt các mục tiêu chiến lược đến năm 2020, đáp ứng được yêu cầu công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của một trường đại học đa ngành.
Trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng nhân lực ở tất cả các cơ sở của Trường (Trụ sở chính tại Hà Nội, Cơ sở Phố Hiến, Cơ sở 2, Viện Đào tạo và khoa học ứng dụng Miền Trung) và đánh giá mức độ đáp ứng của nguồn nhân lực với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, qua từng năm và từng giai đoạn, Nhà trường đã rà soát điều chỉnh quy hoạch nguồn nhân lực đến năm 2020 theo hướng dịch chuyển cơ cấu nhân sự sang các lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao, tuyển sinh tốt, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ để tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị.
Nhờ nâng cao chất lượng tuyển dụng, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và mạnh dạn sàng lọc, đội ngũ cán bộ viên chức của trường đã tăng lên rõ rệt cả về chất lượng và số lượng. Đến nay, tổng số cán bộ viên chức của Trường là 1036 người, trong đó có 589 cán bộ giảng dạy, 249 cán bộ khoa học công nghệ, 198 cán bộ quản lý và phục vụ (đạt lệ sinh viên/cán bộ quản lý phục vụ là 70,6/1). Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường có 268 Tiến sĩ (trong đó có 09 Giáo sư, 58 Phó Giáo sư), chiếm 45,5% tổng số giảng viên của trường; Tỉ lệ sinh viên/giảng viên (quy đổi) là 15,4/1 Ngoài ra, Trường còn có 173 người đang đi đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước. Như vậy, đến năm 2020, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ sẽ chiếm hơn 50% tổng số giảng viên, vượt mục tiêu Chiến lược đã đặt ra. Số giảng viên có trình độ chuyên môn tốt, giỏi tiếng Anh, có thể làm việc trực tiếp với các chuyên gia quốc tế chiếm gần 60% tổng số giảng viên, đã góp phần nâng cao khả năng hội nhập và hợp tác quốc tế của trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Để đáp ứng yêu cầu thực hiện sứ mạng, tầm nhìn và định hướng phát triển của Nhà trường đến năm 2020, trong giai đoạn này, Trường đã thành lập mới và kiện toàn một số khoa. Năm 2007, thành lập Khoa Môi trường, Trung tâm Địa tin học, Viện Kỹ thuật tài nguyên nước, Viện Kỹ thuật công trình; Viện Thủy lợi và Môi trường. Cũng trong năm 2007, trường đã đổi tên một số đơn vị: Khoa Quy hoạch và quản lý hệ thống công trình được đổi tên thành Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Khoa Công trình Thủy lợi được đổi tên thành Khoa Công trình, Khoa Thủy văn – Môi trường được đổi tên thành Khoa Thủy văn và tài nguyên nước, Khoa Thủy điện được đổi tên thành Khoa Năng lượng, Khoa Máy xây dựng và thiết bị thủy lợi được đổi tên thành Khoa Cơ khí, Khoa Kinh tế Thủy lợi được đổi tên thành Khoa Kinh tế và quản lý, Kỹ thuật bờ biển được đổi tên thành Khoa Kỹ thuật biển. Năm 2008, Khoa Khoa Mác – Lê Nin được đổi tên thành Khoa Lý luận chính trị. Năm 2010, thành lập Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu. Năm 2011, nâng cấp Trung tâm ĐH2 thành Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung. Năm 2012, thành lập Trung tâm Đào tạo quốc tế. Năm 2013, thành lập Trung tâm Nước và Môi trường Việt Nam – Hà Lan. Năm 2017, thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Năm 2019, đổi tên Khoa Môi trường thành Khoa Hóa và Môi trường, Trung tâm địa tin học được sáp nhập vào Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, đổi tên Khoa Năng lượng thành Khoa Điện – Điện tử.
V. CÔNG TÁC CƠ SỞ VẬT CHẤT
Thực hiện Chiến lược phát triển của nhà trường, chiến lược phát triển cơ sở vật chất trong giai đoạn này trọng tâm đáp ứng sự phát triển mở rộng ngành nghề đào tạo, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và nâng cao chất lượng đào tạo đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp trong lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ đại học và việc phân cấp, phân quyền đang được đẩy mạnh trong giáo dục, điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của trường đại học.
Trường tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất; mở rộng cơ sở và diện tích đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất. Cơ sở đào tạo của Trường hiện nay được mở rộng thêm gồm 57 ha đất tại khu Đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên; hơn 5 ha đất ở Phân hiệu miền Nam tại tỉnh Bình Dương; 820 m2 nhà đất của Viện Đào tạo và khoa học ứng dụng Miền Trung tại thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận và 120m2 nhà, đất tại thành phố Buôn Mê Thuột – tỉnh Đắk Lắk. Huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư mua sắm thiết bị giảng dạy, thí nghiệm; nâng cấp các phòng thí nghiệm, ưu tiên hiện đại hóa trang thiết bị thí nghiệm cho các ngành mở mới đáp ứng nhu cầu đào tạo; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực. Cùng với sự phát triển của công nghệ, Thư viện hiện nay được đầu tư đồng bộ và hiện đại về không gian đọc, trang thiết bị, hệ thống phần mềm chuyên dụng và tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập với hơn 16.000 đầu sách, giáo trình, tài liệu tham khảo trong và ngoài nước, trong đó tài liệu điện tử là gần 4000 đầu tài liệu, dễ dàng cho việc tra cứu đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; đầu tư thiết bị hiện đại nhất hiện nay như máy mượn trả sách tự động, giá trả sách thông minh, trạm thủ thư… và sử dụng công nghệ RFID tiên tiến.
Tại cơ sở chính ở Hà Nội, trường đầu tư nâng cấp, cải thiện không gian làm việc, không gian học tập, sinh hoạt của sinh viên thông qua việc quy hoạch lại các phòng làm việc, các phòng thí nghiệm; xây dựng hội trường lớn T45 và nhà Thư viện; thực hiện nâng tầng nhà làm việc C4, giảng đường C5, nâng thêm tầng 3 và mở rộng sàn tầng 2 nhà B5 – Thí nghiệm Thủy lực tổng hợp; xây dựng nâng cấp Khu hội thảo tại tầng 2 nhà K1 gồm 11 phòng họp, với các trang thiết bị hiện đại đáp ứng tiêu chí tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Đầu tư nâng cấp trên 85 phòng học khang trang, hiện đại với hệ thống máy điều hòa, máy chiếu, màn chiếu, camera giám sát, hệ thống âm thanh trong phòng học, đảm bảo điều kiện dạy và học tốt nhất cho giảng viên và sinh viên. Với tổng số 25 các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành được đầu tư có trọng điểm thể hiện đầy đủ phương châm giáo dục “học đi đôi với hành”, tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại đặc biệt là các ngành mới, mang tính ứng dụng, phù hợp với xu thế phát triển xã hội như công nghệ thông tin, môi trường, cơ khí. Phòng thí nghiệm những ngành mới được đầu tư hiện đại như Phòng thí nghiệm Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật hóa học; Công nghệ sinh học; Cơ điện tử – Tự động hóa; Kỹ thuật công trình giao thông; Cơ khí động lực; Xưởng thực hành đào tạo kỹ thuật ô tô … Đầu tư xây dựng nhà K1 ký túc xá sinh viên 11 tầng với tổng số phòng ở sinh viên lên 460 phòng khang trang, hiện đại với sức chứa gần 3500 sinh viên, có mạng internet phủ khắp, đảm bảo tốt môi trường ăn, ở, sinh hoạt và học tập của sinh viên. Đầu tư nâng cấp cơ sở giáo dục thể chất, xây dựng mới nhà tập luyện đa năng, nâng cấp sân bóng đá mặt sân bằng cỏ nhân tạo hiện đại, sân tennis và làm mái che cho bể bơi tạo nên quần thể khu giáo dục thể chất khang trang, hiện đại. Cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường xá, cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp.
Đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng, mở rộng chương trình đào tạo Trường đã thực hiện dự án xây dựng Cơ sở mới tại Khu Đại học Phố Hiến – Tỉnh Hưng Yên, nằm trong chiến lược phát triển của Nhà trường giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đáp ứng quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học, tạo tiền đề cho Trường trở thành một trường đại học mang tầm khu vực và quốc tế. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA (Ngân hàng phát triển Châu Á) với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Năm 2017 hoàn thành dự án với cơ sở vật chất bao gồm khu giảng đường với 187 phòng học đáp ứng đào tạo cho 13.400 sinh viên với hệ thống âm thanh phòng học, máy chiếu, điều hòa tạo điều kiện dạy và học tốt nhất; khu thư viện tập trung rộng rãi; các phòng thí nghiệm hiện đại gồm có Phòng thí nghiệm Điện, điện tử Khoa Điện – Điện tử; Địa kỹ thuật và Vật liệu xây dựng Khoa Công trình; Kỹ thuật cơ khí khoa Cơ khí…. Nhà Ký túc xá cao tầng có 560 phòng ở, đáp ứng cho 4480 sinh viên tại cơ sở mới. Khu giáo dục thể chất khang trang với sân bóng rổ, sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân bóng đá. Hạ tầng được đầu tư đầy đủ, đồng bộ: đường nội bộ, trạm biến áp, trạm xử lý nước thải, hồ nước, khu quảng trường, cảnh quan cây xanh, …
Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi ngày nay được mở rộng với tổng diện tích đất trên 7,05 ha nằm ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Trong giai đoạn này Cơ sở 2 đã đầu tư đáng kể cho cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống giảng đường phòng học và nhà ký túc xá sinh viên. Các trang thiết bị được tăng cường đảm bảo phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học. Cụ thể xây dựng nâng cấp tại Bình Dương khu giảng đường, ký túc xá, hội trường lớn ; sửa chữa, nâng cấp nâng tầng giảng đường tại thành phố Hồ Chí Minh (từ 7 tầng, nâng thêm thành 11 tầng) đã hoàn thành được đưa vào sử dụng tháng 4 năm 2019. Hoàn thành cải tạo cơ sở hạ tầng (sân vườn, đường nội bộ, chiếu sáng, thoát nước). Trong năm 2016 đã đầu tư toàn bộ các phòng học trên giảng đường có hệ thống điều hòa không khí, trang bị bảng, máy đèn chiếu (projector) đầy đủ, đảm bảo điều kiện giảng dạy, học tập tốt nhất cho giảng viên, sinh viên và tổ chức hội thảo. Các phòng thí nghiệm được đầu tư trang thiết bị mới nhất phục vụ học tập và thí nghiệm, thực hành của sinh viên. Khu nhà ký túc xá cao tầng ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương gồm 150 phòng cung cấp chỗ ở cho hơn 1.200 sinh viên và học viên.Tiện nghi các phòng ở được trang bị đầy đủ đáp ứng tốt phục vụ sinh hoạt cho mỗi sinh viên. Trong khu ký túc xá có căn tin, nhà ăn, phòng y tế và một hệ thống mạng không dây (Wireless) được phủ khắp.
Viện Đào tạo & Khoa học ứng dụng miền Trung trong giai đoạn này đã thực hiện dự án điều chỉnh quy hoạch trên diện tích trên 0,6 ha. Mở rộng địa bàn hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo tại tỉnh Bình Thuận, tỉnh Đắk Lắk… Tại trụ sở của Viện ở thành phố Phan Rang -Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng nhà giảng đường cao 5 tầng có tổng diện tích gần 2000m2 ; lắp đặt phòng máy tính (hơn 30 máy) kết nối Internet; Thư viện và phòng thí nghiệm được đầu tư hiện đại. Khu ký túc xá hơn 900m2 có 30 phòng ở khép kín, sức chứa hơn 250 sinh viên, được trang bị đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt. Khu vui chơi thể thao rộng 400 m2 (sân bóng chuyền, cầu lông…) nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho sinh viên. Đầu tư nâng cấp, nâng tầng nhà làm việc tại thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cơ bản hoàn thành và đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho đào tạo theo các tiêu chuẩn Việt Nam về các tỷ lệ về diện tích trường, lớp.
VI. CÔNG TÁC TÀI CHÍNH
Trường Đại học Thủy lợi là một đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện chức năng đào tạo trình độ cao đẳng, đại học và trình độ sau đại học hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà hướng tới mục tiêu vì cộng đồng xã hội. Công tác quản lý tài chính của trường được dựa trên nghiên cứu, vận dụng một cách hợp lý, phù hợp đặc thù hoạt động thực tế và các quy định của các cơ quan quản lý tài chính của Nhà nước. Quản lý tài chính trong trường đã huy động, quản lý quá trình phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính thông qua việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra kiểm soát hoạt động tài chính nhằm đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động, đảm bảo tính minh bạch của toàn hệ thống tài chính và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Quy chế chi tiêu nội bộ luôn được coi là một công cụ quản lý tài chính quan trọng trong toàn trường. Trường thường xuyên rà soát, bổ sung, cập nhật, hoàn chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng thu nhập gắn với kết quả lao động và luôn tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Công khai, minh bạch;
– Lấy mục tiêu nâng cao chất lượng làm tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động quản lý tài chính;
– Bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính của nhà trường;
– Tuân thủ các quy định của Nhà nước. Tạo điều kiện chủ động trong việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp được giao một cách hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thúc đẩy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng kinh phí, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng kinh phí quản lý sự nghiệp, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, nhân viên thuộc các trường đại học công lập. Đảm bảo tài sản công được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Thực hiện quyền tự chủ, đồng thời gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
Việc triển khai các hoạt động của Trường theo chiến lược đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chính sách tiền lương đã đạt được một số thành tựu nhất định sau:
– Tạo điều kiện chủ động trong việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp được giao một cách hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thúc đẩy việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng kinh phí, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng kinh phí quản lý sự nghiệp, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, nhân viên thuộc các trường đại học công lập. Đảm bảo tài sản công được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Thực hiện quyền tự chủ, đồng thời gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
– Nguồn thu của trường được sử dụng hợp lý, hạn chế thất thu, các khoản chi được kiểm soát chặt chẽ, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và chất lượng.
– Cơ chế tự chủ tài chính cũng đã giao quyền cho trường trong việc tổ chức phân phối thu nhập của cán bộ, viên chức theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ. Thu nhập của cán bộ, viên chức luôn được đảm bảo ổn định tăng gấp 2,7 lần so với lương cơ bản và từng bước tăng dần lên. Các nguồn vốn, kinh phí từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nhà nước được phân bổ, đầu tư và sử dụng có hiệu quả, góp phần hoàn thành một số mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển nguồn tài chính và tiền lương của trường.
VII. CÔNG TÁC SINH VIÊN VÀ CỰU SINH VIÊN
Với quan điểm giáo dục “lấy người học làm trung tâm”, Công tác sinh viên luôn được Trường Đại học Thủy lợi coi trọng, mong muốnsinh viên sẽ được giáo dục đầy đủ về khoa học, đạo đức, thể chất, văn hóa, có khả năng tìm các công việc phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp, dễ dàng theo kịp cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Công tác chính trị tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường nhằm giáo dục, nâng cao ý thức cho sinh viên thông qua các nội dung như giáo dục truyền thống nhà trường, niềm tự hào về mái Trường Đại học Thủy lợi, tình yêu nghề và theo đuổi đam mê. Tích cực tuyên truyền cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường các buổi nói chuyện thời sự, học tập Nghị quyết một cách kịp thời, sâu rộng.
Đặc biệt, Nhà trường tổ chức nghiêm túc “Tuần sinh hoạt công dân – sinh viên” đầu khoá học; tổ chức các lớp Bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú. Tăng cường giáo dục ý thức sinh viên, đề cao đạo đức, lối sống, nếp sống, ý thức pháp luật, ứng xử văn hóa trong đoàn viên, sinh viên gắn với việc thực hiện văn hóa học đường. Đồng thời rèn luyện kỹ năng và thái độ học tập cho sinh viên một cách kỷ luật, chuyên nghiệp bằng các biện pháp tuyên truyền trên hệ thống bảng tin, loa truyền thanh, web, email, fanpage… một cách hiệu quả và phù hợp. Nhờ đó, công tác sinh viên đã vượt qua những khó khăn ban đầu khi mới chuyển sang hệ thống đào tạo theo tín chỉ, đảm bảo được sự ổn định chính trị, an ninh trật tự và môi trường học đường cơ bản lành mạnh trong Nhà trường, hướng đến sự phát triển toàn diện của sinh viên.
Song song với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Nhà trường còn tạo các sân chơi trí tuệ cho sinh viên qua các kỳ thi Olympic và nghiên cứu khoa học như: cuộc thi “Sinh viên Nghiên cứu khoa học”, “Sáng tạo kỹ thuật VIFOTECH” và thi Đồ án tốt nghiệp xuất sắc – Giải Loa Thành…Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng được đổi mới theo hướng tiệm cận nhu cầu xã hội; tăng thời gian thực hành, thực tậpcho sinh viên. Khuyến khích sinh viên có ý thức tự giác học tập, năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa qua các mô hình học theo nhóm, theo câu lạc bộ…
Việc đảm nhận các vai trò trong mỗi câu lạc bộ giúp sinh viên học hỏi chia sẻ và thực hành các kỹ năng sống và học tập, tạo môi trường lành mạnh giúp sinh viên giao lưu, làm quen và tham gia vào công tác từ thiện xã hội,nhằm giảm bớt căng thẳng trong quá trình học tập, thi cử, giúp các thành viên hình thành các kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, cũng như trong cuộc sống thúc đẩy đoàn viên sinh viên hành động vì cộng đồng, xã hội…
Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao trong và ngoài nước; trao đổi và học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động cho sinh viên Việt Nam và lưu học sinh các nước đang học tập tại Trường… Chính từ những hoạt động này trong những năm qua đã hạn chế được một số lượng lớn sinh viên tham gia các tệ nạn xã hội,các biểu hiện xấu trong môi trường sư phạm cũng giảm dần.
Công tác hỗ trợ sinh viên được Nhà trường đẩy mạnh qua các buổi giới thiệu ngành nghề đào tạo và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Trường còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề có sự tham gia của các cựu sinh viên thành đạt; phối hợp với các doanh nghiệp đưa sinh viên đến tham quan thực tế và trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp. Trường Đại học Thủy lợi thường xuyên đăng tải và cập nhật các thông tin từ các nhà tuyển dụng đến với sinh viên.
Bắt đầu từ 2007, Nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức thường niên Hội chợ việc làm nhằm tạo điều kiện cho sinh viên gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với các nhà tuyển dụng. Theo số liệu khảo sát, có trên 90% sinh viên của trường có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp.
Trường Đại học Thủy lợi còn hỗ trợ sinh viên qua các học bổng khuyến khích học tập. Đặc biệt, Quỹ học bổng “Lê Văn Kiểm và Gia đình” do Anh hùng lao động – Cựu sinh viên Khóa 6 Lê Văn Kiểm thành lập năm 2009 đến nay đã có giá trị hơn 21 tỷ đồng. Đây là nguồn cổ vũ, động viên những sinh viên có thành tích học tập tốt, sinh viên nghèo vượt khó hàng năm (trị giá mỗi suất trao là 15 triệu đồng).
Không chỉ quan tâm đến sinh viên hiện tại, Nhà trường còn chú trọng tới công tác cựu sinh viên. Ngày 30/6/2018 Nhà trường tổ chức Đại hội Hội cựu sinh viên lần thứ I, nhiệm kỳ 2018-2023 với chủ đề “Tự hào truyền thống – Kết nối đam mê – Vững bước thành công”.
Với mục đích của Hội là động viên các thế hệ sinh viên phát huy truyền thống tốt đẹp của sinh viên Trường Đại học Thủy lợi học tập tốt, công tác tốt, góp phần làm giầu cho bản thân, gia đình và xã hội. Là nơi gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác, giúp nhau cùng vươn lên trong công tác, trong lao động sản xuất, hoạt động xã hội và cuộc sống. Là cầu nối để các cựu nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đóng góp tinh thần, vật chất và hiến kế để xây dựng và phát triển hoạt động đào tạo của Nhà trường.
Hiện Hội đã triển khai thành lập được hơn 25 Ban liên lạc, chi hội cựu sinh viên tại các tỉnh thành trên cả nước và tại các Viện, đặc biệt Hội còn kết nối và thành lập được Ban liên lạc cựu sinh viên tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào…
Sự lớn mạnh không ngừng của mạng lưới Hội Cựu sinh viên Trường Đại học Thủy lợi đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cựu sinh viên khắp mọi miền đất nước, sự ra mắt các chi hội, ban liên lạc cựu sinh viên là nhịp cầu nối những người con Thủy lợi xích lại gần nhau hơn, đoàn kết, tương trợ và cùng phát triển.
VIII. CÔNG TÁC KHẢO THÍ VÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG
Trong giai đoạn 2016-2020, Nhà trường đã xây dựng chiến lược Đảm bảo và Kiểm định chất lượng giáo dục với quan điểm xuyến suốt “chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu và phải luôn tự đánh giá, kiểm tra chất lượng bằng nhiều phương pháp, nhiều nguồn thông tin để có giải pháp điều chỉnh cho thích hợp, nhằm mục đích ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Kiểm định chất lượng cần tập trung vào kiểm tra mục tiêu đào tạo, kết quả thực hiện, về nguồn nhân lực, vật lực và sự chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp để đảm bảo thực hiện thành công toàn bộ chiến lược phát triển”.
Nhằm thể hiện cam kết về chất lượng trong các hoạt động và trách nhiệm của Nhà trường với toàn xã hội, công tác kiểm định chất lượng được triển khai quyết liệt ở cả cấp Cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, huy động được sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống. Công tác này được tiến hành song song cả theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế với kết quả đạt được rất đáng khích lệ, khẳng định được uy tín và vị thế của Nhà trường.
Về kiểm định cơ sở giáo dục, Trường Đại học Thuỷ lợi là một trong những trường đầu tiên trong cả nước tiến hành kiểm định chất lượng theo thông tư Bộ Giáo dục và đào tạo số 12/2017/TT-BGDĐ. Đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá rất toàn diện tất cả các mặt hoạt động của Nhà trường, từ đảm bảo chất lượng về chiến lược, về hệ thống, về thực hiện chức năng cho đến kết quả hoạt động.Kết quả đạt được là 95,5% số tiêu chí đạt yêu cầu, đây một thành quả rất khả quan khẳng định được uy tín của Nhà trường.
2 chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh cũng được Hiệp hội các Trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA) cấp chứng chỉ kiểm định chất lượng.
Năm 2020, Trường Đại học Thủy lợi là 1 trong 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN lần đầu tiên tham gia xếp hạng đối sánh và được UPM (Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và Khu vực) gắn hạng 4 sao. Năm 2021, chương trình Kỹ thuật xây dựng công trình thủy của Nhà trường được gắn 5 sao, ngành Kỹ thuật tài nguyên nước được gắn 4 sao plus và 5 ngành: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật cơ khí và Kỹ thuật công trình giao thông, Công nghệ kỹ thuật xây dựng và Kỹ thuật xây dựng đạt 4 sao theo tiêu chuẩn xếp hạng của UPM.
Liên tiếp các năm 2019, 2020 Trường Đại học Thủy lợi đã lọt top 20 cơ sở giáo dục đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam.
IX. CÔNG TÁC PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG
Hoạt động phục vụ cộng đồng luôn được nhà trường quan tâm và chú trọng, nhà trường đã ban hành các quy định về việc xây dựng kế hoạch và cung cấp các dịch vụ như: đào tạo nâng cao năng lực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, thông tin; tổ chức các hoạt động kết nối hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội địa phương, các phong trào thi đua, tình nguyện.
Hàng năm các đơn vị trong trường xây dựng kế hoạch kết nối cộng đồng, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho Bộ, các địa phương, xây dựng các nhóm chuyên môn mũi nhọn sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước: Vấn đề về an toàn đập, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, kiểm soát môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng và thẩm định quy trình vận hành các hồ chứa lớn như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu… Hàng năm Nhà trường cử đoàn công tác tham gia vào công tác kiểm tra an toàn đê điều, tập huấn cán bộ quản lý vận hành hồ, đập tại các địa phương trước mùa lũ và hỗ trợ ứng cứu đê điều trong tình huống khẩn cấp ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên… Lập tổ tư vấn dự báo lũ đến hồ và vận hành các hồ thủy điện, thủy lợi lớn: Hồ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Bản Vẽ, Khe Bố, ĐakDrink, Thuận Ninh… trong mùa lũ.
Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao cho cán bộ, giáo viên và sinh viên: Bóng đá, Cầu lông, Tennis, Hội diễn văn nghệ, các hoạt động thu hút hàng ngàn cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia…
Công đoàn luôn chăm lo cho đời sống của cán bộ, công nhân viên trong toàn trường. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội: Năm 2017 ủng hộ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng bão lụt thông qua Công đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 80 triệu đồng và ủng hộ qua Liên đoàn Lao động TP Hà Nội là 60 triệu đồng; Ủng hộ quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”; Ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ tại miền núi phía Bắc.
Ủng hộ nhân dân Lào khắc phục khó khăn do vỡ đập Thủy điện; ủng hộ cho Hội người tàn tật của phường, Hội chất độc màu da cam và các tổ chức khác trong địa bàn thành phố, phường, Hội người cao tuổi, khuyến học của khu dân cư…Nhân dịp tết Kỷ Hợi, Công đoàn phối hợp cùng Đoàn Thanh niên đã hỗ trợ cho các cháu tại Viện Huyết học – truyền máu Trung ương 50 triệu đồng và 400 bánh chưng… Kêu gọi huy động cán bộ giảng viên, cựu sinh viên ủng hộ cho cán bộ đã nghỉ hưu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn số tiền lên đến hơn 700 triệu đồng. Công đoàn và Đoàn Thanh niên tham gia nhiệt tình hoạt động hiến máu nhân đạo, mỗi năm Trường Đại học Thủy lợi cũng đóng góp cho người bệnh từ 1800 – 2000 đơn vị máu.
Đoàn Thanh niên tổ chức cho sinh viên của trường tham gia hoạt động tình nguyện mùa hè xanh tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Thanh Hoá, Bắc Kạn, Hải Phòng… Hoạt động chủ yếu xây dựng các công trình thanh niên: Làm sân chơi thiếu nhi, cầu dân sinh qua suối, ngầm tràn, làm đường điện, làm đường, phổ cập tin học, làm sạch môi trường biển, các hoạt động có ý nghĩa phục vụ bà con nhân dân và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thiện nguyện, mỗi hoạt động trị giá 50 triệu đồng. Thành lập các đội giao thông xanh, tình nguyện xanh nhằm hỗ trợ làm giảm ùn tắc giao thông tại các tuyến phố và cổng trường, tuyên truyền hoạt động vì môi trường xanh tại các công viên, tuyến phố đi bộ, con đường gốm sứ và Hoàng Thành Thăng Long vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
X. CÁC CHÍNH SÁCH NỔI BẬT
Được biết đến là một trong số các trường đại học có các chế độ chính sách tốt, có khả năng thu hút nhân lực có chất lượng cao, Nhà trường đã xây dựng và triển khai có hiệu quả một số chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên như: miễn giảm định mức giảng dạy, hỗ trợ học phí và kinh phí mua trang thiết bị đối với các nghiên cứu thực nghiệm, hỗ trợ kinh phí bảo vệ luận văn, luận án, hỗ trợ kinh phí thi chứng chỉ Tiếng Anh.
Để góp phần nâng cao thương hiệu, đẩy nhanh số lượng và chất lượng công bố quốc tế cũng như tạo môi trường học thuật tích cực, thu hút các giảng viên, các nhà khoa học từ các cơ quan, đơn vị khác, trường đã rà soát, điều chỉnh chế độ hỗ trợ công bố quốc tế thuộc danh mục SCI từ mức 10 triệu đồng/bài báo lên mức cao nhất là 80 triệu đồng/bài báo. Xây dựng chính sách khuyến khích giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học thông qua các hình thức như: giảm mức trích nộp theo tỷ lệ đóng góp, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, vườn ươm khoa học công nghệ, xây dựng các nhóm đề tài từ ngân sách khoa học công nghệ của trường với số tiền lên đến 120 triệu đồng/1đề tài.
Ngoài ra, để giữ chân giảng viên các ngành có nhu cầu nhân lực cao, có sức hút mạnh từ thị trường lao động, Nhà trường đã ban hành và thực hiện chế độ phụ cấp thu hút. Đồng thời, để động viên kịp thời đối với giảng viên các ngành tuyển sinh tốt, có khối lượng giảng dạy lớn, Nhà trường đã ban hành và thực hiện chế độ phụ cấp áp lực. Với những chính sách mạnh mẽ và hiệu quả trên, Trường Đại học Thủy lợi đang là điểm đến của nhiều giảng viên, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu khác trong cả nước.
XI. CÔNG TÁC ĐOÀN THỂ
Công tác Công đoàn
Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cùng với sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy trường, Công đoàn trường đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, đoàn thể trong trường đổi mới phương pháp hoạt động công đoàn, đẩy mạnh các phong trào thi đua, vận động đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động, nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.
Công đoàn kết hợp với chính quyền luôn đổi mới hình thức tuyên truyền giáo dục đạo đức, tư tưởng để mọi công đoàn viên hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình. Các phong trào văn hóa, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên và hàng năm đều tổ chức hội diễn, hội thi nhân các ngày lễ như: mừng Đảng mừng Xuân, ngày Quốc khánh, Hội diễn văn nghệ các trường Đại học và Cao đẳng; Hội diễn Văn nghệ Công đoàn Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hội diễn văn nghệ và hội thao do Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội và cụm công đoàn số 1 tổ chức đều giành nhiều giải đặc biệt; giải vàng, giải nhất. Công đoàn trường là cơ sở vững mạnh có phong trào thi đua xuất sắc, liên tục nhiều năm liền được Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, Tổng liên đoàn tặng Bằng khen, cờ thi đua là đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn.
Công đoàn cùng với chính quyền tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện có hiệu quả nội quy, quy định, quy chế chi tiêu nội bộ, khen thưởng, kỷ luật của Trường. Ban chấp hành Công đoàn và Ban thi đua Công đoàn được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ phát động, theo dõi và thẩm định công tác thi đua khen thưởng, phối hợp với Ban thi đua khen thưởng Trường trong công tác thẩm định các danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Công đoàn thường xuyên chỉ đạo và tham gia tích cực, có hiệu quả về các công tác giám sát, thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ viên chức, người lao động (về lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động…). Thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ các đoàn viên ốm đau, gia đình khó khăn đặc biệt trong các ngày lễ, tết. Công đoàn xây dựng đầy đủ quy chế hoạt động của ban chấp hành, của Ủy ban kiểm tra và Ban thanh tra nhân dân và quy chế phối hợp giữa ban chấp hành Công đoàn và Ban Giám hiệu.
Hoạt động nữ công luôn được Công đoàn quan tâm, Ban nữ công có chương trình hoạt động trong cả năm, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia sinh hoạt, hội thảo chuyên môn với câu lạc bộ nữ khoa học Liên đoàn lao động Thành phố. Hàng năm đã tổ chức phát động và tổng kết phong trào “Giỏi việc trường – đảm việc nhà”. Đặc biệt nhân các ngày lễ 8/3, 20/10 Ban nữ công đã tổ chức mời các chuyên gia nói chuyện chuyên đề “Vai trò phụ nữ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Vai trò của cán bộ nữ trong bình đẳng giới và biến đổi khí hậu”, tổ chức cuộc thi khéo tay hay làm… đã thu hút đông đảo giảng viên, sinh viên tham gia và thực sự trở thành ngày hội lớn trong trường.
Ban Chấp hành Công đoàn trường thường xuyên phối hợp với các phòng chức năng trong trường thông qua các hình thức tổ chức hội nghị, thông tin trên trang website của Ttường đã tuyên truyền, phổ biến, vận động cán bộ giảng viên chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến đến đoàn viên công đoàn các văn bản của Liên đoàn lao động Thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; làm công tác tuyên truyền vào các đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công đoàn cho cán bộ làm công tác công đoàn nhiệm kỳ 2017 – 2022, mời báo cáo viên tổ chức tập huấn để cung cấp thêm cho giảng viên một số kiến thức, kỹ năng về tạo động lực cho sinh viên, giúp sinh viên có động lực học tập tốt hơn.
Công tác Đoàn Thanh niên
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Thuỷ lợi đã trải qua 29 kỳ Đại hội. Hiện nay, với số lượng thường trực trên 10.000 cán bộ đoàn viên đang công tác và học tập tại trường, Đoàn thanh niên Trường Đại học Thuỷ lợi là một đơn vị có phong trào thanh niên vững mạnh của Thủ đô. Nhiều năm liền được nhận bằng khen, cờ thi đua của Thành đoàn Thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với danh hiệu “Đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào sinh viên”.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đoàn viên sinh viên được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và được đặt lên hàng đầu trong mỗi hoạt động của tuổi trẻ Nhà trường. Qua các hoạt động làm cho đoàn viên thanh niên thấy được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với Nhà trường, có thể xác định được cho mình một phương thức học tập và rèn luyện có hiệu quả. Đoàn trường đã tập trung vào một số giải pháp như sau: Bám sát các chủ trương đường lối, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ để triển khai, tuyên truyền, vận động thanh niên sinh viên thực hiện học tập. Các bài học lý luận chính trị được lồng ghép với chương trình công dân đầu khoá, các buổi học tập chuyên đề.
Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị, Ban Chấp hành Đoàn trường phát động các phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động mang tính chất giáo dục chính trị tư tưởng sâu sắc như: Tổ chức giao lưu, mua và tặng sách “Mãi mãi tuổi 20” cho các chi đoàn, giao lưu học tập tấm gương của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm với các nhân chứng lịch sử, nói chuyện chuyên đề, trao đổi học thuật… thu hút đông đảo sinh viên tham gia, nâng cao kiến thức xã hội, chuyên môn. Thực hiện việc “Tuổi trẻ thủ đô học tập và làm theo lời bác”, Ban Chấp hành Đoàn trường tổ chức dưới nhiều hình thức: tổ chức cuộc thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc thi viết, sưu tập ảnh về Bác với thanh niên, sân khấu hóa, các cuộc thi đã thu hút được hàng ngàn sinh viên tham gia. Xây dựng “chuẩn mực đạo đức của sinh viên”, triển khai thực hiện đề tài của đoàn “Nâng cao trách nhiệm công dân ý thức học tập, văn hóa học đường của sinh viên Trường Đại học Thủy lợi”.
Tổ chức cho đoàn viên, sinh viên tham quan các di tích lịch sử, phòng truyền thống của trường; tạo sân chơi cho sinh viên tham gia nhiều chương trình, trò chơi trí tuệ trên truyền hình (VTV1, VTV2, VTV3): Robocon, sáng tạo Việt, lái xe sinh thái tiết kiệm nhiên liệu. Các hoạt động ngoại khoá thiết thực đã tạo thành động lực giúp đoàn viên, thanh niên vươn lên.
Hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao luôn là điểm mạnh của Đoàn trường Đại học Thuỷ lợi. Các giải thể thao, văn nghệ cho cán bộ giáo viên và sinh viên nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn đã là giải thường niên mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Thường xuyên tham gia biểu diễn và thi đấu các giải lớn do Đài truyền hình Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đoàn cấp trên… tổ chức và đạt kết quả cao. Năm 2016 đội văn nghệ của trường đạt giải nhất toàn đoàn cấp cụm và giải ba cấp Thành Đoàn trong cuộc thi tìm hiểu và tuyên truyền ca khúc cách mạng do thành đoàn tổ chức. Năm 2017, đội bóng đá nam sinh viên trường đã đạt giải Ba giải bóng đá trong nhà do Trung ương Hội Sinh viên tổ chức. Đặc biệt đội bóng đá nam của trường đại diện cho Việt Nam tham gia Tuần giao lưu văn hóa thể thao các nước Nam Á, Đông Nam Á tại Côn Minh, Trung Quốc từ 21 đến 30/5/2017 và giành giải Nhì…
Hiện nay Đoàn trường, Hội sinh viên đang quản lý 12 câu lạc bộ, hoạt động của các câu lạc bộ rất đa dạng, từ hoạt động thể thao đến các hoạt động về chuyên môn: Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ Tin học, Câu lạc bộ Doanh nhân tương lai; Câu lạc bộ Phát triển kỹ năng… và các câu lạc bộ hoạt động xã hội: Câu lạc bộ thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo, Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện… Các hoạt động này giúp sinh viên học hỏi chia sẻ và thực hành các kỹ năng sống, tạo môi trường lành mạnh nhằm giảm bớt căng thẳng trong quá trình học tập, đồng thời thúc đẩy đoàn viên sinh viên hành động vì cộng đồng, xã hội…
Đoàn trường đã có mối quan hệ rất tốt đẹp và thường xuyên tổ chức giao lưu với Đoàn thanh niên các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đoàn trường cũng đã tổ chức kết nghĩa với Đoàn thanh niên của nhiều đơn vị: Lữ đoàn đặc công biệt động 1 – Bộ Tư lệnh Đặc Công, Huyện đoàn Ba Vì – Hà Nội, Huyện đoàn Lục Nam – Bắc Giang.