Giai đoạn 1986 – 2005: Cùng đất nước đổi mới

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước ta trải qua những khó khăn. Các trường đại học kỹ thuật gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Số thí sinh đăng ký thi vào Trường Đại học Thủy lợi rất thấp, có năm chỉ tuyển được khoảng 100 sinh viên. Nhà trường đứng trước nguy cơ phải sáp nhập hoặc giải thể theo tinh thần Nghị quyết 73/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong hoàn cảnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giảng viên của Trường đã từng bước khắc phục khó khăn đưa Nhà trường vững bước đi lên, khẳng định được vị trí của mình trong khối các trường đại học.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo của Trường Đại học Thủy lợi đã đạt được những thành quả to lớn. Những lúng túng ban đầu để thích nghi với nền kinh tế thị trường, những khó khăn về kinh phí hoạt động, khó khăn trong đời sống của cán bộ công nhân và sinh viên đã từng bước được tháo gỡ. Nhờ hướng đi đúng và bằng sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên, trường có những chuyển biến tích cực cả về quy mô chất lượng, hiệu quả và sớm dành thắng lợi trong việc thực hiện 3 chương trình hành động của ngành Đại học – Trung học chuyên nghiệp giai đoạn 1987-1990, 5 chương trình mục tiêu của kế hoạch 1991 – 1995 và chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết TW2 khóa 8 về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”.

Đặc biệt, năm 1995, việc sáp nhập 3 Bộ: Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi thành Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thúc đẩy sự nghiệp phát triển thủy lợi nước ta lên bước mới: phát triển thủy lợi bền vững trong một môi trường Đất – Nước – Rừng, gắn kết hữu cơ với một nền nông nghiệp sinh thái. Nhạy bén trước tình hình và tận dụng thời cơ mới, nhà trường chủ trương tiến hành cải cách giáo dục lần thứ 2 để tổ chức lại hệ thống các ngành học theo hướng phục vụ phát triển kỹ thuật tài nguyên nước và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Chương trình đào tạo có tính hệ thống, tổng hợp, toàn diện và bền vững thuộc lĩnh vực tài nguyên nước. Năm 2004, Nhà trường đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2006-2020 và tầm nhìn 2030 phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Đây là một bước đi đón đầu Nghị quyết số 14/2005/ NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Những thành tựu trong sự đổi mới của trường được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

1. Công tác đào tạo

Nhà trường đã xây dựng thành công nhóm ngành học mới trên cơ sở kế thừa các ngành truyền thống. Nhà trường đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt chương trình đào tạo gồm 9 ngành với 21 chuyên ngành trình độ đại học. Dù là một trường chuyên ngành nhưng việc đào tạo của trường đã và đang bắt đầu mang tính liên ngành, đa lĩnh vực.

Chương trình học được đổi mới, bổ sung nhiều môn học mới như: Viễn thám, Môi trường, Lý thuyết hệ thống tự động hóa, Tin học ứng dụng, Kinh tế đầu tư, Cấp thoát nước, Xử lý nước thải, Kiến trúc…, tăng cường một số môn Khoa học xã hội nhân văn như: Xã hội học, Pháp luật… Năm 2000, trường mở thêm ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, năm 2001 mở ngành Công nghệ thông tin, năm 2003 mở ngành Kỹ thuật Bờ biển.

Năm 2003 đã hoàn thành chương trình khung với 270 đơn vị học trình cho các ngành; năm 2004 xây dựng xong đề cương chi tiết môn học và bắt đầu thực hiện từ năm học 2004-2005. Quy mô tuyển sinh đại học tăng dần từ 248 sinh viên khóa 28 tuyển năm 1986, tăng lên 472 sinh viên khóa 34 tuyển năm 1992. Năm 1997 tuyển 871 sinh viên khóa 39. Năm 2000 là 1051 sinh viên khóa 42. Đến năm 2005 tuyển sinh được 1394 sinh viên của khóa 47. Đào tạo sau đại học đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng, gắn đào tạo với địa chỉ sử dụng. Luận văn tốt nghiệp xuất phát từ yêu cầu thực tế, gắn đề tài khoa học với những vấn đề mang tính cấp thiết phục vụ cho sự nghiệp phát triển của ngành và đất nước. Năm 1992, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ với một chuyên ngành đào tạo là Thủy văn. Từ năm 2004, trường đã được Bộ cho phép đào tạo 13 chuyên ngành Tiến sĩ, 07 chuyên ngành Thạc sĩ. Các lớp bồi dưỡng chuyên đề, hội thảo được mở thường xuyên, mỗi năm có hàng trăm cán bộ, kỹ sư tham dự. Quy mô đào tạo ở mức tương đối ổn định ở tất cả các trình độ: Cao đẳng, Đại học, trên Đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) và ở các địa bàn trong toàn quốc. Song song với việc đổi mới chương trình là đổi mới giáo trình, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học và thi Olympic các môn học. Một dấu mốc quan trọng là ngày 25/2/1997, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định số 288NN-TCCB/QĐ đổi tên “Trung tâm kết hợp đào tạo, nghiên cứu và thực hành khoa học kỹ thuật thủy lợi tại Nam Bộ” (Trung tâm ĐH1) thành “Cơ sở 2 – Trường Đại học Thủy lợi”. Đây là cột mốc đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác đào tạo phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh phía Nam, đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước.

2. Công tác khoa học công nghệ

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQTW của Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới, Nghị định 35HĐBT về công tác quản lý khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Trường đã xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2000, có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Điều đó tạo nên bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng trong công tác nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực cho sự phát triển của ngành phục vụ trực tiếp sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Nông nghiệp – Nông thôn. Hầu hết các đề tài nghiên cứu đều tập trung vào những chương trình trọng điểm của Quốc gia, của ngành, những dự án quan trọng có tính chất lâu dài như vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, vùng Tây Nguyên, các dự án của WB, ADB đầu tư tại Việt Nam. Song song với công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất ở các địa bàn trong toàn quốc; Củng cố, ổn định các cơ sở sản xuất đã có, thành lập đơn vị mới. Các Trung tâm nghiên cứu khoa học, các Viện lần lượt ra đời: Trung tâm Khoa học và triển khai kỹ thuật thủy lợi (năm 1990), Trung tâm Thủy văn ứng dụng và kỹ thuật môi trường (năm 1993), Trung tâm Khoa học và Công nghệ cơ học máy thủy lợi (năm 1994), Văn phòng Tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình (năm 1998), Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ (năm 2000); Đã ký kết và thực hiện hàng trăm công trình phục vụ sản xuất. Số đề tài tăng nhanh, đa dạng và phong phú, đặc biệt là các đề tài cấp Nhà nước và đề tài trọng điểm cấp Bộ. Khoa học công nghệ phục vụ sản xuất đã tạo nên sự gắn kết trực tiếp giữa đào tạo với thực tiễn sản xuất, nâng cao năng lực của thầy và trò, đồng thời tạo ra nguồn thu bổ sung để đầu tư cho cơ sở vật chất, các điều kiện làm việc và mang lại phúc lợi tập thể để cải thiện một phần đời sống của giáo viên, công nhân viên và sinh viên. Công tác nghiên cứu khoa học sinh viên được tổ chức hàng năm, số báo cáo khoa học từ 100 đến 150 báo cáo, trong đó có 10 đến 15 đề tài được xếp loại giỏi và được khen thưởng. Trường còn là một trong những cơ sở đào tạo sáng lập phong trào thi Olympic Cơ học sinh viên, đưa phong trào này trở thành truyền thống hàng năm trong khối các trường đại học kỹ thuật. Các đội tuyển Olympic của trường như: Cơ lý thuyết, Sức bền vật liệu, Cơ học đất, Thủy lực, Cơ kết cấu, Toán, Tin học… đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Olympic Quốc gia. Nhiều đồ án tốt nghiệp của sinh viên dự thi đã đạt giải Loa thành. Để đáp ứng kịp thời sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, nhà trường đã nâng cấp Nội san khoa học của Trường Đại học Thủy lợi thành Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thuỷ lợi và Môi Trường. Tạp chí được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp giấy phép số 158/GP-BVHTT ngày 08 tháng 5 năm 2003. Tạp chí là kênh hội tụ và lan tỏa thành quả khoa học công nghệ trong các lĩnh vực thủy lợi, năng lượng, thủy văn, tài nguyên, môi trường, tin học, cơ khí, kinh tế; là tiếng nói của lãnh đạo và các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên và sinh viên Trường Đại học Thủy lợi; là diễn đàn khoa học, công nghệ của bạn đọc trong và ngoài nước.

3. Công tác hợp tác quốc tế

Trong bối cảnh sự hợp tác đào tạo với các nước truyền thống như Liên Xô, Đông Âu bị gián đoạn, nhà trường đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác KHCN đa phương và song phương với một số cơ quan, tổ chức quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, khối các nước Châu Á, Tây Âu và Bắc Mỹ, đồng thời nối lại quan hệ truyền thống với Trung Quốc, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của trường về mặt đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy, quản lý và tiếp nhận nhiều tiến bộ KHCN thuộc nhiều chuyên môn khác nhau trong trường, đồng thời nâng cao vị thế của trường trên trường quốc tế và trong nước.

Tháng 8/1988, Trường Đại học Thủy lợi được kết nạp trở thành thành viên thứ 16 của ESCAP (Tổ chức giáo dục của các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), cũng từ đó nhà trường đã tạo lập được mối quan hệ với Ấn Độ, Hà Lan, Úc và Thái Lan. Từ năm 1989 – 1994, Dự án VIE 88/007 “Nâng cao năng lực đào tạo của Trường Đại học Thủy lợi” do UNDP tài trợ được triển khai đạt kết quả tốt, tạo thế và lực cho nhà trường mở rộng quan hệ hợp tác về đào tạo và khoa học công nghệ với nhiều trường đại học trên thế giới.

Tháng 4/1995, trường thiết lập lại quan hệ với một số trường đại học, cơ quan thủy lợi của Trung Quốc, từ đó đến nay đã có nhiều cuộc trao đổi, học tập lẫn nhau giữa Trường Đại học Thủy lợi và các trường đại học, cơ quan của Trung Quốc, trong đó Đại học Vũ Hán đã nhận đào tạo cán bộ giảng dạy cho Nhà trường, nhiều giảng viên của trường được đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Năm 1996, nhà trường xây dựng và ban hành thực hiện “Quy định quản lý hoạt động đối ngoại”, nhờ vậy công tác đối ngoại đã đi vào nề nếp. Trường đã ký biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ với nhiều trường đại học có uy tín của Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Singapore, Lào, Ấn Độ, Australia, và Italia. Dự án “Xây dựng năng lực Quản lý nguồn nước” (Chính phủ Đan Mạch tài trợ, 2001-2007) và Dự án “Xây dựng năng lực Kỹ thuật bờ biển tại Trường Đại học Thủy lợi” (Chính phủ Hà Lan tài trợ, 2000–2009) được xây dựng và bắt đầu triển khai. Nhờ đó, Trường Đại học Thủy lợi đã tiếp nhận được những tiến bộ khoa học công nghệ và cử hàng trăm cán bộ giảng dạy, quản lý đi học tập, tham dự hội nghị khoa học, hội thảo ở các nước để nâng cao trình độ về chuyên môn, tầm nhìn, giao tiếp quốc tế và ngoại ngữ. Dự án Hà Lan đã giúp trường xây dựng và đưa vào hoạt động Phòng thí nghiệm Thủy lực tổng hợp và thành lập Khoa Kỹ thuật Bờ biển vào năm 2003 (nay là Khoa Kỹ thuật Biển).

4. Công tác tổ chức cán bộ

Giai đoạn 1986 đến 2005 là thời kỳ tổ chức lại bộ máy quản lý của trường đáp ứng mục tiêu mở rộng quy mô đào tạo, đa dạng các loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Năm 1986, Khoa Thủy điện – Máy Thủy lợi được tách thành hai khoa là Khoa Cơ khí Thủy lợi và Khoa Thủy điện. Năm 1990, đổi tên Khoa Thủy Nông thành Khoa Thủy nông cải tạo đất. Năm 1992, thành lập Trung tâm Thủy văn Ứng dụng và Kỹ thuật Môi trường. Năm 1993 đổi tên Khoa Thủy văn và Quy hoạch nguồn nước thành Khoa Thủy văn – Môi trường. Năm 2001, thành lập Khoa Công nghệ thông tin. Năm 2002, đổi tên Khoa Thủy nông cải tạo đất thành Khoa Quy hoạch và quản lý hệ thống công trình. Trong khoảng 10 năm đầu của giai đoạn này, Trường tuyển dụng giảng viên thông qua việc tiếp nhận sinh viên mới tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, giỏi và tiếp tục cử đi đào tạo, bồi dưỡng để bổ nhiệm vào ngạnh giảng viên. Từ năm 1996, công tác tuyển dụng của đã trường mang tính hệ thống hơn. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức tối thiểu 1 đợt tuyển dụng chính thức, với khoảng trên dưới 40 chỉ tiêu. Qua việc thông báo rộng rãi tiêu chuẩn tuyển dụng, trường đã tuyển được nhiều giảng viên đã qua đào tạo cơ bản, đáp ứng được ngay yêu cầu công tác giảng dạy. Bước vào thiên niên kỷ mới, đội ngũ cán bộ giảng dạy gồm hơn 300 giảng viên. Số giảng viên có trình độ sau đại học là 145 người chiếm tỉ lệ 46% , trong đó có 48 Giáo sư, Phó Giáo sư. Cùng với yêu cầu hội nhập và sự phát triển của nền kinh tế thị trường, ngoài yêu cầu về chuyên môn ngày càng cao, nhà trường khuyến khích giáo viên học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Với quan điểm, nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công của nhà trường, trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ, trường luôn chú trọng toàn diện cả 3 khâu tuyển dụng, đào tạo và sử dụng. Nhờ đó, đến cuối giai đoạn này, số giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường đã tăng lên rõ rệt, chiếm hơn 20% tổng số giảng viên cơ hữu của trường.

5. Công tác xây dựng cơ sở vật chất

Nhà trường đã có những bước đi thích hợp xây dựng và cải tạo, nâng cấp được nhiều khu giảng đường phục vụ đáp ứng công tác giảng dạy theo học chế tín chỉ. Các phòng học được trang bị máy chiếu phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy; cải tạo các dãy nhà ký túc xá của sinh viên, các phòng ở sinh viên thành phòng ở khép kín, đường xá, điện nước được nâng cấp khang trang; cải tạo hội trường lớn T35. Đầu tư xây dựng khu thí nghiệm thủy lực tổng hợp; khu thí nghiệm ngoài trời ngành thủy nông; nhà giảng đường học máy tính C5; nâng cấp Xưởng thực hành cơ khí; phòng thí nghiệm Máy Xây dựng. Các phòng thí nghiệm đã từng bước đạt tiêu chuẩn quốc gia và mang tính đặc thù của một trường đầu ngành về lĩnh vực tài nguyên nước. Khu giáo dục thể chất gồm sân bóng đá, bể bơi, nhà thi đấu đa năng, đường chạy trong sân vận động được nâng cấp, xây mới đáp ứng nhu cầu về rèn luyện thể chất của cán bộ, giáo viên và sinh viên. Thư viện của nhà trường được đầu tư, trang bị khang trang với hàng vạn sách, giáo trình tham khảo và hàng chục máy tính nối mạng phục vụ cho nghiên cứu, học tập. Cơ sở 2 của trường được xây dựng khang trang to đẹp ngay gần trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh gồm: giảng đường, thư viện, khu ký túc xá sinh viên; cơ sở Bình Dương được nâng cấp xây dựng và đưa vào sử dụng khu giảng đường, khu ký túc xá đáp ứng đủ nhu cầu cho sinh viên ăn, ở và học tập.

6. Công tác thi đua khen thưởng

Phong trào thi đua lao động giỏi, giảng dạy giỏi duy trì thường xuyên hàng năm. Với những thành tích đã đạt, Trường Đại học Thuỷ lợi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba (1989); Hạng Nhì (1994); Hạng Nhất (1999), Huân chương Lao động hạng Ba cho hoạt động Công đoàn 1999; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới 2000, Huân chương Hồ Chí Minh 2004, Huân chương Lao động hạng Nhất do Chính phủ Lào trao tặng năm 2000… Điều đáng ghi nhận trong thời kỳ này, trường đã xác định rõ ràng, có căn cứ khoa học và thực tiễn con đường phát triển lâu dài trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, phục vụ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được giai đoạn này tạo thế và lực cho nhà trường bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *